Phát triển kinh tế tập thể phải xuất phát từ nhu cầu thực sự của người dân

Ngày 21/7, Liên minh Hợp tác xã tỉnh tổ chức Hội nghị Ban Chỉ đạo kinh tế tập thể tỉnh lần thứ 30; Ban Chấp hành Liên minh Hợp tác xã tỉnh lần thứ 3 (khóa VI) nhằm đánh giá tình hình phát triển kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021. Đồng chí Trần Huy Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo kinh tế tập thể tỉnh dự và chỉ đạo hội nghị.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Trong 6 tháng đầu năm, Ban Chỉ đạo kinh tế tập thể tỉnh đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch công tác; thường xuyên phối hợp với các sở, ngành thành viên, các địa phương triển khai các giải pháp phát triển KTTT phù hợp với thực tiễn và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan và các địa phương tham mưu, đề xuất với tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách phát triển KTTT; chủ động tư vấn, định hướng và hỗ trợ các hợp tác xã (HTX) triển khai có hiệu quả các chính sách; hỗ trợ thành lập mới, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ vốn, tiếp cận tín dụng; hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; xây dựng các mô hình HTX kiểu mới liên kết gắn với chuỗi giá trị sản phẩm.

Thành lập mới 51 HTX

6 tháng đầu năm, toàn tỉnh thành lập mới 51 hợp tác xã, tăng 59,38% so với cùng kỳ năm 2020, nâng tổng số HTX hiện nay trên địa bàn tỉnh là 552 HTX (trong đó 511 HTX đang hoạt động theo Luật HTX 2012). Các HTX hoạt động đa dạng trong các lĩnh vực: nông, lâm, ngư nghiệp; công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp; thương mại  – dịch vụ, quỹ tín dụng nhân dân. Số tổ hợp tác (THT) thành lập mới là 685 THT, tăng 71,25% so với cùng kỳ, nâng số THT toàn tỉnh lên 5.126 THT. Khu vực kinh tế tập thể tỉnh thu hút khoảng 60.000 người tham gia.

Với phương châm “phát huy nội lực; duy trì, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh; chủ động, linh hoạt ứng phó với dịch Covid-19”, hoạt động của khu vực KTTT tỉnh tiếp tục duy trì ở mức tăng trưởng khá, nhiều HTX duy trì sản xuất ổn định, tạo việc làm và thu nhập thường xuyên cho người lao động. 6 tháng đầu năm, khu vực KTTT tỉnh đóng góp cho ngân sách nhà nước trên 79 tỷ đồng; thu nhập bình quân của người lao động làm việc thường xuyên trong HTX đạt 4,65 triệu đồng/người/tháng.

Các đại biểu tham gia thảo luận tại hội nghị

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã làm tốt công tác phòng chống dịch, đảm bảo cho các doanh nghiệp, HTX ổn định sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Các HTX mong muốn tỉnh tiếp tục tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho phát triển sản xuất trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, phát triển các chuỗi sản xuất các sản phẩm chủ lực; hỗ trợ tiêu thụ nông sản và kết nối cung cầu. Các đại biểu cũng dành nhiều thời gian thảo luận về các giải pháp thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu về KTTT năm 2021 theo Chương trình hành động số 18 của Tỉnh ủy; bàn phương án triển khai thực hiện việc tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh theo Nghị định 45 của Chính phủ….

Phát triển kinh tế tập thể phải xuất phát từ nhu cầu thực sự của người dân

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trần Huy Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh đã thông tin nhanh về tình hình kinh tế – xã hội tỉnh 6 tháng đầu năm của tỉnh và khẳng định, kết quả mà Ban Chỉ đạo KTTT tỉnh, Liên minh HTX tỉnh cũng như khu vực KTTT, HTX đạt được trong thời gian qua đã góp phần quan trọng để hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của cả tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2021.

Đồng chí Trần Huy Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận hội nghị

Đồng chí cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, vướng mắc cần tập trung khắc phục trong thời gian tới như: Tốc độ tăng trưởng của khu vực kinh tế tập thể vẫn còn thấp, tỉ lệ đóng góp vào GDP của tỉnh chưa cao; Sự gắn kết lợi ích giữa thành viên và HTX còn chưa cao, thiếu tính bền vững. Việc liên kết, liên doanh giữa HTX với các thành phần kinh tế khác còn hạn chế, chưa thực sự hiệu quả; Một số chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh đối với khu vực kinh tế tập thể, HTX còn có những khó khăn, vướng mắc, có thời điểm chưa được giải quyết kịp thời….

Đồng chí nhấn mạnh, tình hình dịch bệnh Covid – 19 những tháng cuối năm 2021 sẽ diễn biến hết sức phức tạp, do đó để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội đề ra trong năm 2021, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn đề nghị Ban Chỉ đạo KTTT tỉnh tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai kịp thời, có hiệu quả các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh Yên Bái về phát triển kinh tế đặc biệt là phát triển KTTT, HTX; các văn bản của Trung ương và các chính sách của tỉnh để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển KTTT của tỉnh theo hướng hiệu quả, bền vững.

Khu vực KTTT cần chủ động trong phòng chống dịch bệnh, cùng với tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa tập trung theo hướng phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác. Trong đó phát triển kinh tế tập thể phải xuất phát từ nhu cầu thực sự của người dân và phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh; đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, xây dựng cộng đồng thân thiện, văn minh, nhất là ở khu vực nông thôn.

Chú trọng phát triển các ngành nghề, sản phẩm thế mạnh của địa phương, sản phẩm chủ lực có khả năng xuất khẩu. Chủ động tiếp cận, ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm phù hợp với quy luật khách quan, dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, xu hướng phát triển và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đẩy mạnh tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, chương trình OCOP, liên kết với doanh nghiệp, HTX và các mô hình kinh tế khác, góp phần tăng cao thu nhập và tạo thêm nhiều việc làm mới; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thành viên và người lao động trong khu vực KTTT.

Tiếp tục hình thành các mô hình HTX hoạt động với quy mô liên thôn, liên xã, liên huyện với những sản phẩm chủ lực của địa phương, gắn với xây dựng và phát triển mô hình KTTT, HTX nhanh và bền vững; phát huy hiệu quả trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế và cải thiện đời sống thành viên; phát triển thành viên thông qua thu hút ngày càng nhiều người dân, hộ kinh tế cá thể và tổ chức tham gia HTX. Xây dựng, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới tiêu biểu, hoạt động hiệu quả trên địa bàn tỉnh…


Bài viết mới nhất:
Powered by VNPT