Câu hỏi:
Nguyễn Mạnh Hoàng ()
11/09/2021
Chuyển đổi số là gì và quan trọng như thế nào trong thời đại ngày nay?
Trả lời:

Chuyển đổi số là một trong những mục tiêu được quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam. Chính phủ Việt nam cũng đặc biệt quan tâm đến vấn để chuyển đổi số trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và giao cho Bộ Thông tin &Truyền thông xây dựng Đề án Chuyển đổi số quốc gia và trình Đề án cho Thủ tướng ngay trong năm 2019.

Vậy chuyển đổi số là gì và có tầm quan trọng như thế nào trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0? 

Chuyển đổi số là gì?

Khó có được một định nghĩa rõ ràng và cụ thể về chuyển đổi số, bởi vì quá trình áp dụng chuyển đổi số sẽ có sự khác biệt ở từng lĩnh vực khác nhau.

Nhấn để phóng to ảnh

Chuyển đổi số đóng một vai trò quan trọng trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0

Tuy nhiên, để có thể định nghĩa một cách ngắn gọn và dễ hiểu thì chuyển đổi số (Digital Transformation trong tiếng Anh) là sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực của một doanh nghiệp, tận dụng các công nghệ để thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và cung cấp các giá trị mới cho khách hàng của doanh nghiệp đó cũng như tăng tốc các hoạt động kinh doanh. Chuyển đổi số cũng là một sự thay đổi về văn hóa của các doanh nghiệp, đòi hỏi các doanh nghiệp phải liên tục thay đổi, thử nghiệm cái mới và thoải mái chấp nhận các thất bại.

Tại Việt Nam, khái niệm “Chuyển đổi số” thường được hiểu theo nghĩa là quá trình thay đổi từ mô hình doanh nghiệp truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet cho vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)… nhằm thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty.

Không chỉ có vai trò quan trọng tại các doanh nghiệp mà chuyển đổi số còn đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực khác của xã hội như chính phủ, truyền thông đại chúng, y học, khoa học…

“Chuyển đổi số” (Digital Transformation) có thể dễ bị nhầm lẫn với khái niệm “Số hóa” (Digitizing). Để phân biệt hai khái niệm này, có thể hiểu rằng “Số hóa” là quá trình hiện đại hóa, chuyển đổi các hệ thống thường sang hệ thống kỹ thuật số (chẳng hạn như chuyển từ tài liệu dạng giấy sang các file mềm trên máy tính, số hóa truyền hình chuyển từ phát sóng analog sang phát sóng kỹ thuật số…); trong khi đó, “Chuyển đổi số” là khai thác các dữ liệu có được từ quá trình số hóa, rồi áp dụng các công nghệ để phân tích, biến đổi các dữ liệu đó và tạo ra các giá trị mới hơn. Có thể xem “Số hóa” như một phần của quá trình “Chuyển đổi số”

Tại sao “Chuyển đổi số” lại quan trọng và mang lại những lợi ích gì?

Báo cáo của các công ty nghiên cứu thị trường lớn như Gartner, IDC… đều chỉ ra rằng chuyển đổi số thực sự mang lại rất nhiều lợi ích cho mọi mặt hoạt động của doanh nghiệp: từ điều hành quản lý đến nghiên cứu, kinh doanh…

Những lợi ích dễ nhận biết nhất của chuyển đổi số đối với doanh nghiệp đó là cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời, tối ưu hóa được năng suất làm việc của nhân viên… những điều này giúp tăng hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của tổ chức, doanh nghiệp được nâng cao.

Tận dụng các nền tảng công nghệ sẽ giúp các doanh nghiệp cải thiện được nhiều lĩnh vực và hướng đến 5 mục đích cuối cùng của chuyển đổi số

Trong khi đó đối với con người bình thường, chuyển đổi số làm thay đổi cách chúng ta sống, làm việc và giao dịch với nhau. Còn đối với nhà nước, chuyển đổi số dùng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi trải nghiệm người dùng với các dịch vụ do nhà nước cung cấp, thay đổi quy trình nghiệp vụ, thay đổi mô hình và phương thức hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước.

Chuyển đổi số còn góp phần gia tăng năng suất lao động. Nghiên cứu của Microsoft cho thấy, năm 2017, tác động của chuyển đổi số tới tăng trưởng năng suất lao động ở vào khoảng 15%, đến năm 2020, con số này là 21%.

Nhìn chung, theo các chuyên gia phân tích và nghiên cứu thị trường thì 5 mục đích cuối cùng mà các doanh nghiệp chuyển đổi số hướng đến bao gồm: Tăng tốc độ ra thị trường; Tăng cường vị trí cạnh tranh trên thị trường; Thúc đẩy tăng trưởng doanh thu; Tăng năng suất của nhân viên; Mở rộng khả năng thu hút và giữ chân khách hàng

Chuyển đổi số đang được diễn ra trên thế giới và tại Việt Nam như thế nào?

Chuyển đổi số đang ngày một thay đổi nhận thức của những nhà lãnh đạo, những người có khả năng quyết định hướng đi và khả năng chuyển đổi thành công của tổ chức. Bộ máy chính quyền của nhiều quốc gia sau khi nhận ra tầm quan trọng của chuyển đổi số trong việc gia tăng hiệu quả hoạt động và đảm bảo an ninh quốc gia, đã lập tức bước vào một “cuộc đua” mới trong việc áp dụng chuyển đổi số.

Trước đây, các công nghệ kiểu cũ thì chỉ có các công ty lớn, có rất nhiều tiềm lực kinh tế mạnh mới có thể tiếp cận được công nghệ đó. Do đó họ luôn dẫn đầu thị trường, ít nhất là một vài bước. Nhưng bây giờ, thì dù công ty nhỏ hay những startup mới đều có thể tiếp cận được công nghệ không thua kém gì các những công ty lớn.

Theo nghiên cứu năm 2017 của Microsoft tại khu vực Châu Á TBD, năm 2017, tác động mà chuyển đổi số mang lại cho GDP là khoảng 6%, năm 2019 là 25% và tới năm 2021 là 60%.

Kết quả nghiên cứu của McKensey chỉ ra rằng, vào năm 2025, mức độ tác động của chuyển đổi số tới GDP của nước Mỹ là khoảng 25%, với đất nước Brazil là 35%, còn ở các nước Châu Âu là khoảng 36%. Từ đây, có thể thấy khả năng tác động của chuyển đổi số đối với tăng trưởng GDP là rất lớn.

Tốc độ chuyển đổi số tại các khu vực và quốc gia là khác nhau, tùy thuộc vào mức độ phát triển công nghệ và tốc độ chuyển đổi mô hình doanh nghiệp. Trong đó khu vực châu Âu được đánh giá là khu vực có tốc độ chuyển đổi số nhanh nhất, tiếp đến là Mỹ và quốc gia tại châu Á.

Các doanh nghiệp tại Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức trong cuộc đua chuyển đổi số

Tại Việt Nam, các mô hình chuyển đổi số cũng đang tạo ra những dịch vụ có ích cho người dân và tận dụng một cách hiệu quả nguồn lực nhàn rỗi của xã hội. Tuy nhiên, họ cũng tạo ra những mâu thuẫn, thay đổi cơ bản với mô hình kinh doanh truyền thống. Thế mạnh công nghệ mới đang giúp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp giành lợi thế trên các lĩnh vực công nghiệp truyền thống. Xu thế này tạo ra những thay đổi quan trọng trong chuỗi giá trị các ngành công nghiệp cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong bối cảnh của nền kinh kế số hiện nay, đòi hỏi các tổ chức, doanh nghiệp và mô hình truyền thống phải có sự thay đổi mạnh mẽ để tiếp tục tồn tại và phát triển.

Với dân số 96 triệu người và là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất nhì khu vực, dân số trẻ năng động và có khả năng tiếp cận công nghệ cao nhanh chóng, các chuyên gia đánh giá Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong việc chuyển đổi số. Đây là những cơ hội mạnh mẽ để các doanh nghiệp Việt Nam tạo ra sự đột phá trên thị trường nhờ vào chuyển đổi số.

Câu hỏi:
()
02/06/2020
Quy hoạch trong lĩnh vực công nghiệp của huyện Văn Chấn
Trả lời:

* Ông Hồ Đức Hợp – Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn trả lời:

Vâng, trước tiên tôi xin cảm ơn anh Hoàng Chiến Thắng và 2 doanh nghiệp đã quan tâm đến việc đầu tư tại huyện Văn Chấn và gửi câu hỏi đến chương trình.

Tôi xin trả lời như sau:

Thứ nhất, về quy hoạch của huyện Văn Chấn đối với lĩnh vực công nghiệp. Theo Quyết định số 673/QĐ-UBND ngày 18/5/2009 của UBND tỉnh Yên Bái về việc phê duyệt dự án Quy hoạch tổng thể hệ thống khu, cụm công nghiệp tỉnh Yên Bái giai đoạn 2008 – 2015, định hướng đến năm 2020, huyện Văn Chấn được phê duyệt quy hoạch 03 Cụm Công nghiệp, gồm: Cụm Công nghiệp Sơn Thịnh; Cụm Công nghiệp vùng Thượng huyện; Cụm Công nghiệp vùng Ngoài, trong đó:

– Cụm Công nghiệp Sơn Thịnh: Đặt tại thôn Văn Thi 4, xã Sơn Thịnh: Giai đoạn I (2008 – 2010) với diện tích đất quy hoạch 33,5ha; giai đoạn II (2011 – 2015) mở rộng thêm 76,5ha, nâng tổng diện tích quy hoạch lên 110ha; giai đoạn III (2016 – 2020) mở rộng thêm 90ha, nâng tổng diện tích quy hoạch lên 200ha.

– Cụm Công nghiệp vùng Thượng huyện: Dự kiến tại xã Nậm Búng hoặc xã Gia Hội: Giai đoạn I (2011 – 2015) với diện tích đất quy hoạch 20ha; giai đoạn II mở rộng thêm 30ha, nâng tổng diện tích quy hoạch lên 50ha.

– Cụm Công nghiệp vùng Ngoài của huyện: Dự kiến tại xã Tân Thịnh hoặc xã Cát Thịnh: Giai đoạn I (2011 – 2015) với diện tích đất quy hoạch 20ha; giai đoạn II mở rộng thêm 30ha, nâng tổng diện tích quy hoạch lên 50ha.

Hiện nay Cụm Công nghiệp Sơn Thịnh đã thu hút được 05 đơn vị đăng ký thuê đất với diện tích đất công nghiệp xin thuê là 22,86ha, với tổng vốn đầu tư của các đơn vị 985,7 tỷ đồng (gồm các ngành nghề: Sản xuất chế biến chè; tuyển quặng chì – kẽm; nghiền thạch anh; sản xuất chì kim loại; chế biến đá ốp lát).

Đối với hai Cụm Công nghiệp vùng Ngoài và vùng Thượng huyện chưa thành lập với lý do:

– Thực hiện Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 02 tháng 03 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh công tác quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp: Trong đó có nội dung chỉ đạo: Tạm dừng thành lập mới các cụm công nghiệp để tiến hành rà soát và đánh giá hiệu quả của các cụm đang hoạt động.

– Nguồn kinh phí cho xây dựng cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp chưa được đầu tư; các các vùng nguyên liệu chưa đủ đáp ứng yêu cầu để hình thành các cơ sở sản xuất tập trung để đưa vào cụm công nghiệp.

Về ý thứ hai, nhằm thu hút đầu tư của các doanh nghiệp vào địa bàn huyện Văn Chấn, huyện cũng đã tạo nhiều điều kiện hết sức thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động cụ thể là:

1. Không ngừng cải cách việc thực hiện các thủ tục hành chính, có những hướng dẫn rất cụ thể, chi tiết tới các doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, tránh rườm rà, phiền phức cho doanh nghiệp.

2. Phát huy các yếu tố sẵn có của địa phương tạo điều kiện thuận lợi nhất giúp cho các doanh nghiệp đầu tư và phát triển trên địa bàn huyện như: Đào tạo nguồn nhân lực thông qua việc thực hiện có trọng tâm, có hiệu quả các chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nâng cao trình độ, tay nghề lao động, nâng cao chất lượng các sản phẩm đầu vào của doanh nghiệp như sản phẩm nông sản (cụ thể như sản phẩm chè).

3. Phối hợp tốt với doanh nghiệp trong việc thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình đầu tư. Cụ thể, hiện nay huyện Văn Chấn đang có cụm công nghiệp Sơn Thịnh, một số doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng nhà máy trong cụm, huyện đã tạo điều kiện bố trí về mặt bằng, phối hợp thống kê đền bù giải phóng mặt bằng cho các đơn vị có nhu cầu đầu tư vào huyện Văn Chấn.

Huyện Văn Chấn cam kết sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư và phát triển bền vững trên địa bàn.

Câu hỏi:
()
Tôi nghe nói ở Nga đã tìm ra thuốc chữa HIV/AIDS và đã có người bệnh đầu tiên được xác nhận là đã khỏi bệnh. Xin hỏi, khi nào thì thuốc này được sản xuất rộng rãi, và khi nào thuốc mới có ở Việt Nam?
Trả lời:

Thông tin mà bạn vừa nêu về việc các nhà khoa học Ural (Liên bang Nga) vừa công bố đã tìm ra được thuốc chữa bệnh AIDS có tên là thuốc “Profital” chúng tôi cũng đã được biết qua các hệ thống internet và một số phương tiện thông tin đại chúng khác.

Tuy nhiên, chúng tôi xin khẳng định tính chính xác của thông tin đó chưa hề được “kiểm định”. Cho đến thời điểm này Tổ chức Y tế thế giới (WHO), và Bộ Y tế Việt Nam chưa có bất cứ thông tin chính thức nào về loại thuốc nêu trên. Vậy, những thông tin về thuốc trên chỉ mang tính chất tham khảo và người ta đang hy vọng đến một ngày nào đó nhân loại sẽ tìm ra thuốc đặc hiệu điều trị HIV/AIDS.

Câu hỏi:
Hoang Quynh Hanh (Luc Yen - Yen Bai)
07/03/2012
Cho em hoi nam nay tinh minh co tuyen thi sinh nu thi vao cac truong cong an khong? Neu co thi doi tuong duoc tham gia du thi nhu the nao?
Trả lời:

Năm 2012, việc tuyển học sinh nữ vào các trường Công an nhân dân được thực hiện theo chỉ tiêu riêng với tỷ lệ 10 đên 15% tổng chỉ tiêu của từng trường theo từng ngành học; không hạn chế tỷ lệ nữ sơ tuyển, đăng ký dự thi.
Bạn là đối tượng học sinh dự tuyển vào các trường Công an nhân dân phải qua sơ tuyển tại Công an tỉnh Yên Bái; hồ sơ đăng ký dự tuyển mua tại Công an huyện, thị xã, thành phố nơi bạn đăng ký hộ khẩu (trường hợp của bạn mua tại Công an huyện Lục Yên – tỉnh Yên Bái), các bước tiếp theo bạn sẽ được cán bộ mà bạn tiếp xúc hướng dẫn cụ thể.
Lịch sơ tuyển tại Công an huyện Lục Yên là thứ 3, ngày 03/4/2012.

Câu hỏi:
NGUYỄN THU HƯƠNG (Yên Bái)
18/03/2012
Năm 2012, công an tỉnh Yên bái tuyển bao nhiêu chỉ tiêu thí sinh nữ để dự thi vào các trường đại học, học viện thuộc công an? với nữ thí sinh tham gia sơ tuyển có tiêu chuẩn như thế nào thì trúng tuyển? em gái tôi cao 1m56 nặng 44kg có được không? xin chân thành cảm ơn!
Trả lời:

– Năm 2012, không hạn chế tỷ lệ nữ sơ tuyển, đăng ký dự thi. Việc tuyển học sinh nữ vào các trường Công an nhân dân (Học viện, Đại học, Trung cấp)được thực hiện theo chỉ tiêu riêng với tỷ lệ 10 đên 15% tổng chỉ tiêu của từng trường theo từng ngành học.
– Tiêu chuẩn chiều cao, cân nặng đối với nữ giới là: Cao từ 1,58 m đến 1,75 m, cân nặng từ 45kg đến 60kg. Đối với học sinh thuộc Khu vực I (KV1), học sinh là người dân tộc thiểu số theo từng giới được hạ thấp 02cm về chiều cao, 02kg cân nặng.
Do đó bạn có nguyện vọng vào ngành Công an thì hãy đăng ký dự sơ tuyển ngay tại Công an huyện, thị xã, thành phố nơi bạn đăng ký hộ khẩu.

Powered by VNPT